Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ]
|
Ðề mục và phép
làm văn bài thi Hội cũng tựa như thi Hương nên ở đây tôi
chỉ nhắc sơ qua những điểm chính.
- Ðề mục thường do quan trường chọn trước một ngày rồi đệ trình lên vua. Hôm thi đem niêm yết, cũng có khi sao ra rồi phát cho sĩ tử như khoa 1499 có tới trên 5000 người thi, cho Nghi tào định phép thi, cận thần ra đầu bài rồi in đưa từng lều (1). Thi Hội, cũng như thi Hương, thường gồm ba hay bốn kỳ thi (cũng gọi là trường), đề mục mỗi kỳ hỏi một thể loại khác nhau, các thể văn này đã được trình bầy rõ trong Thi Hương. Kỳ 1 kinh nghĩa hỏi ý nghiã trong Tứ thư, Ngũ kinh để xem học lực có thâm viễn ; Kỳ 2 thơ phú để thử tài ứng đối ; Kỳ 3 văn sách hỏi thuật trị nước cổ (Nghiêu, Thuấn) và kim (thời vụ, kinh tế) để xét kiến thức ; Kỳ 4 : chiếu
là lời vua ban cho thần dân hiểu biết hiệu lệnh
Thứ tự các kỳ có thể thay đổi. - Phép làm văn bài : Kinh nghĩa thì chỉ được tán rộng, nhắc lại lời các tiên hiền, không được đưa ra những ý kiến riêng ; văn sách thì phải tán tụng triều đình, xưng với quan trường thì dùng chữ "sĩ" , xưng với vua thì dùng chữ "thần", đều phải viết nhỏ lại và lệch về bên phải nêu không sẽ mắc tội khiếm cung ; phải tuân theo những luật lệ trường quy (2) nhiêu khê, bó buộc khiến cho chính nhà vua đôi khi phải hạ lệnh cho quan trường bớt câu nệ để sĩ tử được tự do bầy tỏ ý kiến thực dụng chứ không chỉ nhắc lại những khuôn sáo cũ. * 1664 Ðịnh phép thi (theo Khoa Mục Chí) : Ra đề : Trước một ngày của mỗi kỳ, các quan Ðề Ðiệu xin vua ra đề thi. Ðến ngày thi, ngự đề ban xuống, quan Thí trường phải theo phép nhận rõ ấn nhà vua và chỗ niêm phong. Việc phóng đề thì dùng các viên án lại, Học sinh, nho sinh, nha lại các nha môn. Trước một ngày, quan Ðề Ðiệu xem số sĩ nhân, gửi giấy đi các nha chọn những người biết chữ, thông văn lý, kê khai họ tên, gửi lại cho quan Ðề Ðiệu. Sáng sớm ngày thi, những người ấy phải đến cửa trường đợi khám xét rồi mới cho vào. Làm văn : Cốt hùng hồn, điển nhã, không được dùng lời phù phiếm, hiểm hóc, khó hiểu. Văn sách về thời vụ cần bầy tỏ, châm chước phải lẽ để tiện thực dụng, không được khoác lác hay cố chấp tự ý, không có vẻ thuần hậu. - Phép làm văn bài ở Trung quốc được tự do, ít bị bó buộc như ở Việt-Nam. Thí dụ khoa thi Tiến sĩ 1057 đích thân nhà vua chọn đầu bài, giờ chót mới cho đem lại trường thi. Tô Ðông Pha làm văn bài tùy tiện bịa đặt, tuy khảo quan không biết lấy "điển tích" ở đâu mà vẫn cho đỗ cao (3). |
I - TRƯỚC THỜI NGUYỄN |
A- TRƯỚC
THỜI HẬU LÊ
Ðề mục các thời Lý, Trần, Hồ nếu có ghi chép thường chỉ ghi đại cương. 1304/5 Ðề mục thi Thái Học sinh, phép thi : 1 - Trước hết thi ám tả Y quốc thiên và Mục thiên tử truyện để loại bớt. 2 - Kinh nghĩa, kinh nghi. Thơ hỏi về "vương độ khoan mãnh" (Luận ngữ : nhân tài hiếm có, độ lượng vương giả có khi khoan có khi nghiêm)) dùng thể Cổ thi, ngũ ngôn trường thiên, lấy bốn chữ "tài, nan, xạ, trĩ" làm vần. Phú : "Ðế đức hiếu sinh, hiệp vu dân tâm" (Thượng thư : Ðức hiếu sinh của vua Nghiêu, vua Thuấn thấm khắp lòng dân) dùng thể 8 vần (4). 3 - Chiếu, chế, biểu. 4 - Văn sách. 1400 Hồ Quý Ly thi Thái Học Sinh ra đề Phú "Linh kim tàng" (cái kho chứa gươm của Hán Cao Tổ chém rắn khi mới khởi dậy). B- THỜI HẬU LÊ Từ nhà Lê mới có nhiều đề mục được ghi chép lại : a - Văn sách - Ra đề gọi là Sách vấn, hỏi phép trị nước cổ kim, bài làm gọi là Ðối sách. 1472 Dị đồng trong ý nghĩa của Thi, Thư. Ðiều hay điều dở trong chính sự các triều đại. 1475 Ý chí kinh sử giống nhau, khác nhau và những thao lược dụng binh của các tướng suý. 1481 Lê Thánh Tông hỏi về lý số. 1684 Có nền tảng thái bình tất phải có quang cảnh thái bình (5). 1746 Vũ Khâm Lân, Hữu Thị lang bộ Lại, khảo quan, ra đề :"Người làm quan thấy có kẻ giết người giữa ban ngày nhưng khổ chủ được của đút rồi ỉm đi không cáo tố, nếu xét theo luật để trị tội hung thủ thì trái thể lệ, nếu không tra xét thì bỏ phép luật. Nên làm thế nào cho hợp lệ ?". Câu hỏi có ý chỉ trích lúc bấy giờ uốn nắn công việc sai lầm có phần thái quá. Sau đấy Lân giữ việc chính phủ cũng không thay đổi được : kiện tụng quá nhiều, xử án không hợp lý, giết người mà sự chủ không tố giác, quan biết cũng không bắt tội vào đâu được (6). 1755 Hội thí trường 4, Nguyễn Quốc Khuê ra đề văn sách hỏi về việc hành chính thời Tam đại, Khuê không biết là đề cũ. Lúc phát đề học trò xôn xao. Hôm sau đánh chuông khải chúa :"Hội kẻ sĩ bốn biển chín châu mà thi, 5 năm mới có một khoa, thiên tử trai giới đến xem thi (...) có phải là việc nhỏ đâu ? Thế mà quan thị đề lại theo ý riêng mà làm bậy như thế". Minh Vương giận, bắt thi lại. Nhữ Ðình Toản ra đề về công và tư, cổ văn (chính sự thời cổ) chỉ hỏi một câu (7). 1769 Phạm Vỹ Khiêm, Giám Sinh, thi Hội trượt kỳ 2. Chúa Trịnh thích văn ông, vời vào phủ đường ra đề thi hỏi kế sách dẹp Trấn Ninh (8). b - Thơ phú 1619 Thơ : Ðặt luật lệnh, nghiêm quân pháp. Phú : Hậu Tắc dậy dân (9). 1733 Thơ : Chấn hưng nền văn trị. Phú : Nuôi nhân dân, biết người hiền (10). 1736 Thơ : Chính trị hay, giáo hóa tốt. Phú : Văn võ đều được dùng (11). 1757 Thơ : Chấn chỉnh kỷ cương. Phú : Gần xa nhờ đức (12). |
I I - THỜI NGUYỀN |
1822 Khoa thi Hội
đầu tiên thời Nguyễn.
Kỳ 2 Chiếu, chế, biểu Kỳ 3 1 bài thơ ngũ ngôn cổ thể 1 bài phú 8 vần Kỳ 4 Văn sách, về Cổ văn hoặc 10 đoạn, về Kim văn (thời vụ nước nhà) hoặc 3, 4 đoạn. 1832 Lệ trước đầu bài vua ra, 2 quan Tri Cống Cử chia nhau đi hai vi tuyên đọc rồi yết. Khoa này sợ lậu, đình việc tuyên đọc (14). 1833 Vua dụ :"Trước đây thể văn trường ốc, học giả phần nhiều theo sáo cũ, nên bàn định lại phép thi. Triều đình bàn :"Kỳ 1 thi chế nghĩa 8 vế ; kỳ 2 thi thơ phú theo thể thức đời Minh, Thanh ; kỳ 3 thi văn sách, châm chước phép thi Minh, Thanh. Vua chuẩn (15). 1834 Trước mỗi kỳ vào trường 1 ngày, quan trường tâu xin vua ra đề rồi ở gian giữa Thí viện đường đặt cái án đỏ để đầu bài. Nếu là quan trường ra đề thì Chủ khảo và Tri Cống Cử họp ở Thí Viện đường (16). 1835 Vua dụ Nội các :"Trước kia, trên quyển văn chép kỹ đầu bài rồi mới làm văn. Nay nghĩ đầu bài văn sách từ 300 đến 500 chữ nên chép kỹ đã thừa lại phí bao công phu. Chuẩn định từ nay giấy đầu bài văn sách cấp cho, bất tất phải sao chép. Khi nộp quyển, nộp cả giấy đầu bài" (17). 1838 Vua dụ :"Ðề mục thơ từ trước lấy ở trong các bài thơ xưa. Mệnh đề :"Xuân du phương thảo địa", học trò phần nhiều dẫn các câu đặc biệt trong thơ cũ như :" Xuân chơi đất cỏ thơm ; Hạ ngắm ao sen xanh" v.v... Ví phỏng đầu bài có chữ Vũ = mưa, Kiều = cầu, biết hai chữ "vũ, kiều" xuất xứ ở bài thơ nào ? Khảo quan phần nhiều căn cứ vào việc dẫn các câu sẵn, chữ sẵn trong sách thì khen, như thế học trò chỉ ghi nhớ văn tự trong sách. Làm văn phải phát minh ý đầu bài, phô diễn ý riêng của mình, tại sao lại cứ phải câu nệ dẫn chữ trong sách ?" (18). 1839 Vua xem trường thi Hội, dụ :"Sự học vấn quý ở kiến thức rộng, đem làm việc mới có thực dụng. Ðầu bài thi bất tất phải tìm những sự mới lạ, hiểm hóc. Cứ đem việc trước mắt hiện nay ra hỏi cũng đủ thấy kiến thực sâu hay nông" (19). 1853 Ðầu bài của Hoàng thượng ra thì quan trường chép vào giấy vàng rồi niêm yết, do quan trường nghĩ ra thì dùng giấy lệnh viết rồi niêm yết. Ðình việc in cấp đầu đề. Ðịnh lệ ban cấp ngự đề thi Hương, thi Hội. Ðến ngày thi, như khi phụng nhận đầu đề vua ban ra về thi Hội và Chế khoa thì canh tư bưng đầu đề đến cửa trường. Chánh, Phó Chủ khảo mặc triều phục quỳ đón ở phía tả cửa trường, cúi đầu vái rồi đứng lên, bưng đầu đề để lên cái án sắc vàng ở trường thi. Chánh, Phó Chủ khảo làm lễ 5 lạy, lễ xong mang đầu đề ra tuân hành. Ðến chiều, thuộc viên ở bộ và Các bưng đầu đề rước về Các (20). 1871 Vua dụ :"Từ nay việc học phải lấy thực hành làm đầu, sau mới đến văn chương. Các việc làm ruộng, thuế khóa, sai dịch, binh hình, trị loạn xưa và nay, thi thố chính sự hiện thời không việc gì là không học. Văn chương phải chân chính, tao nhã, sâu xa, chớ câu nệ về thể cách bó buộc khi điểm duyệt để bỏ sót nhân tài". 1876 Sự hiên đại hóa đã mang lại lợi ích cho Nhật bản hay không ?" được hầu hết thí sinh phân tích theo chiều hướng tiêu cực (21). 1880 Thi Hội, trường 2, vua ra đầu bài :"Sĩ dân Bắc kỳ làm biểu tâu xin chia đều thuế ruộng ở Bắc". Phải viết theo thể thức bài biểu của Hàn Dũ làm thay Bùi Tường từ quan". Từ trước chỉ dùng lối tứ lục nhà Tống (22). 1910 Khoa cải cách đầu tiên. Kỳ 1, 10 đạo văn sách (5 Kinh, 2 Truyện, 2 Bắc sử, 1 Nam sử) làm 6 bài là đủ lệ (2 Kinh, 2 Truyện, 1 Bắc sử, 1 Nam sử), làm hơn cũng được. Kỳ 2, 1 bài chiếu hoặc dụ, 1 bài sớ tấu, 1 bài biểu, đều dùng văn kim, bỏ cổ văn (23). Kỳ 3, 1 luận chữ nho, 2 luận quốc ngữ nhưng đầu bài bằng chữ nho, văn bài bằng quốc ngữ. Kỳ 4, 10 đạo vấn sách (2 sử Thái Tây, 2 cách trí, 2 địa dư nước nhà, 2 danh nhân nước nhà, 2 thời sự). Làm 6 bài là đủ lệ (sử Thái tây, cách trí, địa dư, danh nhân, 2 thời sự) làm hơn cũng được. Kỳ thi tình nguyện chữ Pháp (coi như kỳ 5) : 1 bài chữ Pháp dịch ra quốc ngữ, đầu bài do tòa Khâm đệ đến quan trường để chuyển giao cho Cống sĩ mỗi viên một tờ. 1913 Kỳ 1, 5 đạo văn sách (kỳ trước có 6 đạo, trong có 2 Truyện, kỳ này chỉ còn 1 Truyện) Kỳ 3, Kỳ trước đầu bài Luận quốc ngữ ra bằng chữ nho, người Pháp chấm không hiểu, nay tòa Khâm xin ra đầu bài cũng bằng quốc ngữ. Kỳ 4, 5 đạo văn sách (kỳ trước có 6 đạo trong có 2 đạo thời sự, nay chỉ còn 1). 1919 Khoa cuối cùng. Ðầu bài văn sách trị hà (bằng Hán văn) : "Sông Nhĩ hà xứ Bắc kỳ cùng với sông Mã, sông Cả xứ Trung kỳ, sông Cửu-long xứ Nam kỳ đều là dòng nước lớn cả, nạn lụt sao lại tệ hơn ? Ðắp đê, sửa đê trước từ đời nào, xét xem bởi cớ gì vậy ? Việc đê gần nay nhà nước hết lòng giữ gìn mà không tránh khỏi cái lo vỡ lở, vậy là vận trời xui ra hay việc người nên nỗi ? Hiện nay đê vỡ tứ tung, nạn lụt rất dữ, hoặc người bảo nên bỏ đi, hoặc người bảo đắp lại, mỗi người nói một khác, đoán xem lẽ nào là phải ? Giờ muốn cho mặt nước yên cồn, bình thành mãi mãi, cách làm làm sao ? Hãy cho biết sức học khang tế" (24). |
CHÚ THÍCH |
1- SKTT, IV, 13. Không
chắc có thật là "in" hay chỉ là do các Ðằng lục sao chép
ra bằng tay.
2- Xin xem Thi Hương của Nguyễn Thị Chân Quỳnh. 3- Xin xem bài văn thi Tiến sĩ của Tô Ðông Pha trong phần Phụ Lục. 4- KMC, 8 - KVTL, 80-1 - SKTT, I I, 90. 5- Nguyễn Ðăng Ðạo, 92. 6- CM, XVI I I, 41. 7- KMC, 21. 8- Lê Quý Dật Sử, 23. Trỏ vụ các Hoàng tử nhà Lê nổi lên chống việc chúa Trịnh giết thái tử Lê Duy Vỹ. 9- HKL, 69. Hậu Tắc là quan coi việc nông thời Nghiêu, Thuấn. 10- HKL, 74. 11- HKL, 75. 12- HKL, 77. 13- TL, VI, 34. Tri cống cử = quan trường. 14- TL, XI, 45. 15- MM, I I I, 88. 16- TL, XVI, 50-5. 17- TL, XVI, 275. 18- MM, I I, 265. 19- MM, I I I, 97 - TL, XX, 83. 20- TL, XXVI I, 374-79. 21- Nguyễn Xuân Thọ, 213. 22- TL, XXXIV, 330. 23- R. de la Susse, 16. 24- Nam Phong, số 27, 9/1919,.không cho biết là đề thi Hội hay thi Ðình, nhưng vì dề thi Ðình hỏi về "văn minh" nên chắc đây là đề thi Hội. |
Khoa
Kỷ Vị (1919)
|
"Việc chánh-trị bây giờ càng khó, Trung-kỳ, Bắc-kỳ tình-thế khác nhau, nên sửa-sang những điều gì trước, luận" (1). |
Chánh-trị là việc
rất quí trong nước, sắp đặt việc chánh-trị khi nào cũng
khó, mà bây giờ càng khó hơn ; nước nào cũng khó mà nước
ta lại càng khó hơn bởi vì tình-thế mỗi thời một khác
thời chánh-trị cũng phải theo thời theo thế mà khác nhau.
Trong nước ta, trừ xứ Nam-kỳ là nhượng-địa, việc chánh-trị
đã có quí-quốc sửa-sang, còn Trung-kỳ và Bắc-kỳ đức
Hoàng-thượng ta cầm quyền chủ-trị, mà Bắc-hà thời phần
nhiều giao cho quí-quan giúp đỡ, tình-thế không giống nhau
nên chánh-trị sửa-sang cũng có lẽ không giống nhau được,
vì rằng chánh-trị vẫn có nhiều việc, nhưng mà theo tình-thế
và thời-thế, thời có việc cấp lại có việc hoãn, việc
hoãn nên làm sau mà việc cấp phải nên sửa trước, biết
điều nên sau nên trước thời thang tiến bộ mới có thể
mau bước tới bực văn-minh vô-hạn. Nay xét trong mục chánh-trị
không điều gì lớn hơn và cần hơn giáo với dưỡng,
có
giáo có dưỡng thời nước mới có văn-minh, giầu mạnh được,
nhưng việc gì nên trước nên sau, thời nó theo thời theo thế
mà khác. Xứ Trung-kỳ là nơi Ðế-đô, đức-giáo ngấm-nhuần,
dân-phong thuần-hậu, nhưng mà đất thời hẹp, dân thời nghèo,
xem như đức Hoàng-thượng ngài ân-cần khuyến-dụ cho các
quan, để dậy dân khai lợi trong ba nơi thượng-ban, trung-ban,
hạ-ban thời biết trị-sinh là việc nên sửa trước ở nơi
Trung-kỳ. Vậy xin tuân theo lời Chỉ dụ và nhờ ơn quí-quốc
giúp đỡ cho, sắp đặt trước những việc nuôi dân, như
khai-hoang khẩn-điền và dậy những nghề-nghiệp làm ăn dưới
biển, dân có no đủ thời mọi việc mới có thể tấn-hóa
được mau. Còn xứ Bắc-kỳ mấy lâu nay nhờ ơn quí-quốc
sắp-đặt các việc, một ngày tấn tới hơn xưa, nhưng mà
đất-đai xa cách, học-thuật ngày một mới mang, tình liên-lạc
có hơi xa, thời chánh-trị phải nhiều điều trở-lực, xem
như lời Thượng-dụ Bắc-hà ân-cần lấy luân-lý cương-thường
làm trọng, thời biết sự giáo-dục nên sắp trước. Vậy
xin thương định cứ y theo chương-trình học mới, nhưng xin
dịch thêm những lời huấn-dụ của Liệt-Thánh Bản-triều,
để ban cho mà học, lại mỗi tuần hoặc mỗi tháng có một
ngày giảng-thuyết về huấn-điều ấy để liên-lạc lấy
nhơn-tâm phong-tục thời giáo-hóa trong ngoài như một, ai cũng
biết tôn-quân thân-thượng mà mọi đàng ích-lợi càng thêm.
Ấy thời-thế như vậy, tình-thế như vậy, thời sắp đặt
nên như vậy, còn tiết mục cho tường, cơ-quan cho kỹ, thời
nhờ Triều-đình, nhờ ơn quí-quốc.
Trích
Nam
Phong số 24, 6/1919
|
Khoa
Kỷ Vị (1919)
|
"Nước ta văn-hiến, trải mấy ngàn năm, bây giờ nghĩ phỏng Thái-Tây đặt Viện Hàn-lâm dịch các sách vở, luận" (1). |
Sự văn-học thực là quan-hệ cho vận-hội trong một nước, vì rằng văn-hiến còn thì quốc-túy còn, mà quốc-túy còn thì nước mới văn-minh, cho nên đời nào cũng vậy, đều lấy việc bảo-tồn quốc-túy làm cốt, mà bảo-tồn quốc-túy lại phải bởi người nên duy-trì mới được. Nước ta lập-quốc ở cõi Viêm-bang, xưa nay vẫn là một nước văn-hiến, khi trước cũng đã có văn-tự, nhưng từ khi ông Sĩ-Nhiếp lấy hán-tự dậy dân mà nền hán-học mới phôi-thai từ đó, từ sau các đời Ðinh, Lý, Trần, Lê cũng lấy sự mở mang việc văn-học làm trọng, nào đặt khoa bác-học, nào lập khoa minh-kinh, lại đặt ra ngũ-kinh-bác-sĩ, hoành-từ-chế-khoa, mà các bậc danh-nhơn cũng nhiều, như ông Phan Huy-Chú làm sách Lịch-Triều-Hiến-Chương, ông Lê Quý Ðôn làm sách Vân-đài-loại-ngữ văn-học rất là rỡ ràng. Ðến Bản-Triều lại càng thạnh lắm nào lập ra trường học, nào lập ra Khoa-cử, có Bí-thơ-viện để giữ những sách quí báu trong nước, có Tu-thơ-cuộc để sửa sang sách vở dậy dân, trải mấy trăm năm văn-hiến, nhơn-dân cũng bởi đó mà khai-hóa, phong-tục cũng bởi đó mà duy-trì, dẫu cách mấy đời người mà quốc-túy vẫn còn mãi mãi. Ðến bây giờ là thời-đại văn-minh, học-giới thay đổi, mà học-giới đã thay đổi thời không thể giữ mãi được lối văn-tự cũ, nhưng nước nhà mấy ngàn năm vẫn lấy hán-tự làm quốc-túy, vì rằng những điển-chương pháp-độ của các đời trước, cùng là bởi cách-ngôn lý-học của bậc Thánh-hiền đều cơ-sở ở hán-học cả, nếu chữ hán hết đi thời sau này quốc-dân ta lấy gì mà khảo-cứu hiến-chương của đời trước, người sau lấy đâu mà xem xét văn-minh của nước nhà, lại phải dịch ra quốc-âm thời mới lưu-truyền về sau được, cho nên việc lập hội Hàn-lâm dịch các sách vở để giữ lại văn-hiến nước nhà, thực là cần lắm. Xem như nước Ðại-Pháp là nước văn-học có tiếng bên Âu-châu cũng có hội Hàn-lâm, hội ấy tự ông RICHELIEU lập ra từ năm 1635, có 40 ông hội-viên toàn là người danh-sĩ trong nước cả, để dịch soạn các sách vở trong nước và các sách những nước văn-minh, để khuyên dậy dân, nên nước Ðại-Pháp thành được một nước văn-minh cũng bởi hội Hàn-lâm ấy. Ðức Hoàng-Thượng ta vẫn hằng lưu tâm đến việc đó, xem xét đến việc đó, cũng định bắt chước nước Ðại-Pháp dựng ra hội Hàn-lâm để dịch những điển-chương pháp-độ của các đời, những văn-chương của các danh-nhơn đời trước, cùng những sách hay bên Thái-Tây ra quốc-ngữ hoặc chữ tây để làm một cái gương khảo-nghiệm cho đời sau, muốn họp cả chế-độ lịch-triều làm chế-độ một triều, thâu cả văn-minh các nước làm văn-minh một nước, thực là một việc rất hay chưa từng thấy trong lịch-sử bao giờ. Tôi thiết-tưởng hội Hàn-lâm đã dựng, thời văn-hiến hãy còn, không những bảo-tồn được quốc-túy mà lại duy-trì được nhơn-tâm thế-đạo, mở con đường khai-hóa sau này, văn-chương, lịch-đại, điển-hiến các đời, trải mấy ngàn năm mà còn lưu-truyền mãi mãi, thực là một cái hạnh-phúc cho nền văn-học nước nhà mà thực là một cái hạnh-phúc cho hậu vận nước Nam ta vậy. Trích
Nam
Phong số 24, 6/1919
1- Cách chấm câu,
ngữ pháp, chép theo nguyên văn in trong Nam Phong. |
Khoa
Kỷ Vị (1919)
|
"Nước ta việc hình-luật đời nào cũng trọng, quan-hệ nhơn-tâm phong-tục là thế nào, luận" '1). |
Hình-luật là việc quan-trọng một nước, vì hình-luật để phòng-phạm nhơn-tâm, duy-trì phong-tục, kinh Thi có câu rằng :"Minh vu ngũ hình", lại có câu rằng "Thức kính do ngục", cho nên chế ra hình-luật lại rất là trọng lắm. Nước ta lập-quốc đã mấy ngàn năm nay, đời nào cũng có chế ra hình-luật, từ vua Ðinh Tiên-hoàng đặt cái vạc để ra uy kẻ tội-nhơn, mà hình-pháp mới đặt từ đó ; vua Lý Nhơn-tôn ban hình-thư, mà sách hình có từ đó ; vua Trần Thái-tôn đặt ra tội đồ, tội sai ; vua Lê Thái-tổ tham dụng Ðàng-luật mà đặt ra tội suy, tội trượng, đủ ngũ hình. Ðến Bản-triều từ khi đại-định, có tham-khảo điển-lệ Hường-đức và luật-điều Càn-Long, Ung-Chính nhà Thanh, thêm bớt mà chế ra hình-luật, Danh-lệ 15 điều, Lại-luật 9 điều, Binh-luật 13 điều, Hình-luật 96 điều ; hình-luật ví với các đời trước rất là tường-bị, nhưng mà chỉ cốt để chính nhơn-tâm và duy-trì phong-tục làm cốt, xem như luật "tứ tội" để cấm kẻ tham-lại, luật "dĩ-tài-hành-cầu" để cấm kẻ ngu-dân, nam-nữ hôn-nhơn có luật để định việc giá-thú, thê-thiếp thất-tự có luật để chính đạo gia-đình, cho đến cường-đạo thiết-đạo để răn kẻ trộm cướp, việt-khống vu-cáo để trị kẻ điêu-ngoan, luật-danh dẫu nhiều mà thâm-ý của Thánh-nhơn cũng chỉ để cho quan dân trong nước biết luật mà chính tội, quan dân đã không phạm pháp, thời nhơn-tâm phong-tục mới chính được, nhơn-tâm phong-tục đã chính, thời trong nước mới được trị bình. Nếu không phải
bậc thánh-nhơn chế ra luật lệ thời không những rằng luật
lệ không đủ làm phép cho dân theo, mà lại không duy-trì nhơn-tâm
phong-tục, thế mới biết việc hình-luật là rất trọng,
mà việc chế hình-thư lại là rất khó.
Trích
Nam
Phong số 24, 6/1919
|
|